Lại thêm một kỳ Olympic nữa thể thao VN hoàn toàn tay trắng, sau kỳ Olympic gần nhất không thể giành huy chương nào tại Tokyo năm 2021.

Hình ảnh lực sĩ cử tạ Trịnh Văn Vinh bật ngửa ra sàn đấu vì thất bại trong cả 3 lần nâng tạ ở nội dung cử giật cách đây 1 ngày – đau xót thay – chính là hình ảnh của cả nền thể thao nước nhà khi ra biển lớn. Olympic 2024, chúng ta không thể thắng nổi chính mình…

Thể thao Việt Nam khi nào hết tay trắng tại Olympic: Tụt hậu nghiêm trọng- Ảnh 1.

Người hâm mộ thất vọng tràn trề khi thể thao VN không giành bất kỳ thành tích nào tại Olympic Paris 2024. VN luôn đứng đầu SEA Games nhưng thua xa các nước trong khu vực ở đấu trường lớn nhất hành tinh.

NGHỊCH LÝ ĐẮNG CAY

Những con số thống kê thành tích phần nào cho thấy sự đầu tư chưa trúng đích của thể thao VN trong thời gian qua. Sau cú đột phá đoạt 1 HCV, 1 HCB của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Brazil 2016, thể thao VN liên tiếp trắng tay khi không đoạt được tấm huy chương nào ở Olympic Tokyo 2021, và gần nhất ở Olympic Paris 2024 đang diễn ra. Đã có rất nhiều kỳ vọng từ sau tấm HCV lịch sử của Hoàng Xuân Vinh về cú hích cho thể thao VN ở đấu trường Olympic, nhưng 8 năm dài đằng đẵng, chúng ta không tận dụng để bứt phá mà còn “cài số lùi”.

trinh thu vinh 287 1
Trịnh Thu Vinh là người duy nhất suýt có huy chương ở Olympic 2024.

Nghịch lý là ở 2 kỳ SEA Games 31 (năm 2022), SEA Games 32 (năm 2023), thể thao VN thống trị ngôi đầu khu vực Đông Nam Á với số HCV lên hơn 100 chiếc. Nhưng rồi khi bước ra đấu trường lớn hơn như ASIAD, Olympic, thành tích của đoàn VN thụt lùi rất sâu so với các nước cùng khu vực. Ở Olympic Paris 2024, VN chỉ có 16 VĐV đoạt vé tham dự trong khi Thái Lan có đến 51 VĐV, Indonesia 29 VĐV, Malaysia 26 VĐV, Singapore 23 VĐV, Philippines 22 VĐV. Tính đến hôm qua, các nước Đông Nam Á có tên trên bảng huy chương Olympic Paris là Philippines (2 HCV, 2 HCĐ), Thái Lan (1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ), Malaysia (2 HCĐ), Indonesia (1 HCV, 1 HCĐ), còn thể thao VN không có nổi tấm huy chương nào.

Điểm chung mang đến thành công của các nước Đông Nam Á tại Olympic phát huy được sự đầu tư hiệu quả ở các môn thể thao, các nội dung phù hợp với thể trạng “thấp bé nhẹ cân, nhanh nhẹn”. Carlos Yulo, người mang về cho Philippines 2 tấm HCV môn TDDC, chỉ cao 1,5 m. Võ sĩ Panipak mang về HCV cho Thái Lan môn taekwondo ở hạng cân dưới 49 kg. Hạng cân nhẹ của cử tạ, rồi cầu lông cũng là thế mạnh của các nước Đông Nam Á và họ cũng có huy chương từ các môn này. 20 năm trước tại Olympic Sydney 2000, thể thao VN ghi dấu ấn với tấm HCB taekwondo của Trần Hiếu Ngân. Chúng ta cũng có 1 HCB của Hoàng Anh Tuấn (Olympic Bắc Kinh 2008), 1 HCĐ của Trần Lê Quốc Toàn (Olympic London 2012) ở môn cử tạ. Chìa khóa về việc đầu tư cho các môn, nội dung phù hợp đã được chỉ ra, nhưng trong thời gian dài (2 kỳ Olympic liên tiếp), thể thao VN thụt lùi đặt ra dấu hỏi lớn về sự hiệu quả trong việc đầu tư.

Đô cử Quốc Toàn tủi thân vì nhận HC đồng Olympic muộn 9 năm - Báo VnExpress  Thể thao
Tấm HCĐ Olympic 2012 trao muộn 9 năm của Trần Lê Quốc Toàn

VÌ SAO OLYMPIC VẪN XA TẦM VỚI?

Kỳ Olympic thứ hai liên tiếp “trắng” huy chương cho thấy vấn đề rất cũ của thể thao VN, đó là đầu tư dàn trải. Thay vì tập trung cho các môn trọng điểm hay VĐV trọng điểm, nguồn lực của thể thao bị trải ra quá nhiều môn. Bởi vậy mới có thực trạng, thể thao VN đua tốt ở SEA Games, có nhiều VĐV ở đẳng cấp Đông Nam Á, nhưng tiến ra châu Á hay thế giới lại không có mũi nhọn nào, khi phần lớn VĐV được huấn luyện, đầu tư “cào bằng” như nhau. Lấy ví dụ, Singapore đã tốn tới hàng triệu USD để Joseph Schooling tập huấn và thi đấu, trước khi kình ngư này đạt tới đẳng cấp đánh bại Michael Phelps trên đường đua 100 m bơi bướm (Olympic Rio 2016). Hay ngôi sao TDDC Carlos Yulo của Philippines được đào tạo bài bản trong môi trường thể thao học đường, kết hợp với tập huấn quốc tế, nhận học bổng đào tạo lên tới hàng chục nghìn USD mỗi năm từ khi mới 12 tuổi, mới có ngày hôm nay, đoạt 2 HCV Olympic để đưa thể thao Philippines sang trang.

Bị xúc phạm và phỉ báng nặng nề, mẹ nhà vô địch Olympic Carlos Yulo đòi kiện

Thể thao VN có bao nhiêu VĐV được đầu tư trọng điểm với kinh phí và chiến lược hoạch định rõ ràng như vậy? Lấy ví dụ trường hợp của Trịnh Thu Vinh. Nữ xạ thủ sinh năm 2000 được đầu tư trong 2 năm qua với những chuyến tập huấn tại Hàn Quốc, Bulgaria, tham gia nhiều giải đấu lớn cùng chuyên gia Park Chung-gun. Tuy nhiên, từng ấy đầu tư là chưa đủ để thu hẹp cách biệt với những VĐV trưởng thành từ cường quốc bắn súng như Hàn Quốc, vốn được huấn luyện bài bản cả về kỹ thuật lẫn tâm lý nhờ phương pháp đào tạo ưu việt, hay chất lượng cơ sở vật chất mà thể thao VN chưa thể… mơ tới. Thu Vinh đã chứng minh tiềm năng với hạng tư thế giới, nhưng ranh giới giữa hạng tư và huy chương còn rất xa.

Thể thao Việt Nam khi nào hết tay trắng tại Olympic: Tụt hậu nghiêm trọng- Ảnh 2.
Panipak (Thái Lan) trở thành VĐV Đông Nam Á đầu tiên bảo vệ được ngôi vô địch Olympic

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt chia sẻ: “Thể thao VN còn nhiều hạn chế, như hệ thống thi đấu trong nước thiếu các giải đỉnh cao; các môn thể thao trọng điểm chưa có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học và phong trào tập luyện chưa phát triển rộng khắp; hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu; thiếu lực lượng HLV trình độ cao, được đào tạo bài bản, đủ khả năng huấn luyện các VĐV tầm cỡ khu vực; khó thuê chuyên gia đẳng cấp thế giới do hạn chế về tiền lương; thiếu các loại thực phẩm chức năng chuyên sâu đảm bảo dinh dưỡng cho VĐV; chế độ đãi ngộ còn thiếu so với các nước trong khu vực và thế giới; thiếu nguồn lực để ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến”.

Nguồn: https://thanhnien.vn/the-thao-viet-nam-khi-nao-het-tay-trang-tai-olympic-tut-hau-nghiem-trong-185240808212948686.htm

Share.