Chuyện những ngôi sao hàng đầu như Hoàng Đức, Văn Lâm chọn khoác áo các đội hạng Nhất không bao giờ là tín hiệu tốt lành cho bóng đá Việt Nam.

Khi Hoàng Đức quyết định chia tay Thể Công Viettel, tương lai của cầu thủ sinh năm 1998 được cả làng bóng đá quan tâm.

Trước tiên, Hoàng Đức là đương kim Quả bóng vàng Việt Nam. Tức là anh đang là cầu thủ hay nhất, trên góc nhìn của phần đông chuyên gia, mà bóng đá Việt Nam đang có.

IMG 1489

Thứ hai, Hoàng Đức đang ở độ tuổi đỉnh cao (26 tuổi). Anh đã vượt ngưỡng trẻ 5 năm, còn cả sự nghiệp phía trước để phấn đấu và bến đỗ trước mắt sẽ quyết định thực sự cầu thủ này có thể bứt phá hay không.

Thứ ba, Hoàng Đức chia tay CLB chủ quản sau khi khép lại bản hợp đồng dài hạn, được ký từ khi còn rất trẻ. Chuyện của Đức rất giống một số đồng đội ở đội tuyển quốc gia, khi phải qua ngưỡng trưởng thành mới “thoát” được ràng buộc đào tạo trẻ.

Hoàng Đức phát triển sự nghiệp trong bối cảnh đặc thù (và có lẽ chẳng giống ai) của bóng đá Việt Nam. Với tài năng vượt trội, năng lực đã được khẳng định, người ta hy vọng tiền vệ gốc Hải Dương có thể phá vỡ khuôn mẫu cũ. Đó là đến một đội nước ngoài và tỏa sáng, hoặc nếu chơi ở trong nước thì khoác áo một đội bóng tham vọng và tiếp tục làm nên chuyện.

hoang duc anh 1

Nhưng không. Hoàng Đức chọn khoác áo đội bóng chỉ xếp thứ năm mùa trước, thắng vỏn vẹn 7 trong số 20 trận ở giải hạng Nhất. Nói về chất lượng giải hạng Nhất, hãy nhìn ví dụ đơn giản: đội Đà Nẵng vô địch hạng Nhất mùa trước và đang trầy trật ở cuối bảng V.League sau 3 vòng mùa này, còn đội á quân PVF-CAND chẳng thể vượt qua ngưỡng play-off, dù đối thủ Hà Tĩnh bị đẩy đến cực hạn khủng hoảng.

Không ngoại binh, cạnh tranh yếu ớt, dễ đoán và còn kém rất xa hai tiếng “chuyên nghiệp”, là mô tả chân thực cho giải hạng Nhất. Đây không bao giờ là sân chơi lý tưởng với cầu thủ trưởng thành, chứ đừng nói với ngôi sao như Hoàng Đức.

Vậy tại sao Hoàng Đức, hay trước đó là Công Phượng và Văn Lâm chọn xuống hạng Nhất? Lý do chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Nhưng trong nội hàm lý do ấy, phần trăm chuyên môn chiếm bao nhiêu? Hỏi, có lẽ cũng là trả lời.

Phú quý giật lùi

Cầu thủ mong cầu gì cho sự nghiệp của mình? Tiền bạc, danh vọng, tiếng vang muôn đời, hay trở thành người mở đường dũng cảm để đưa bóng đá Việt Nam gần hơn tới đấu trường quốc tế?

hoang duc anh 2

Mỗi người có một lựa chọn. Đã có người chấp nhận từ bỏ để đi. Đó là trường hợp của Huỳnh Như, người sẵn sàng kết thúc hợp đồng với CLB TP.HCM, rời khỏi vòng an toàn sau tuổi 30 để đến với chân trời xa lạ (CLB Lank của Bồ Đào Nha).

Huỳnh Như ký hợp đồng từng năm, chỉ nghĩ đi đến đâu, hay đến đó. Chị chấp nhận mức lương thấp, rũ bỏ sự nổi tiếng đơn thuần để dấn thân vào sân chơi mới. Có trận đấu, Huỳnh Như bị lật cổ chân, nhưng không được đắp thuốc ngay bởi nhân viên y tế duy nhất của đội đã quá giờ làm việc. Huỳnh Như tự chườm đá, tự chăm sóc mình.

Giữa cái lạnh thấu xương cùng hàng tá khó khăn ở trời Âu, Huỳnh Như chưa bao giờ từ bỏ. Mong muốn duy nhất của tiền đạo sinh năm 1991 là mở ra con đường hoàn toàn mới, để cầu thủ Việt Nam thêm vững lòng khi chấp nhận rời xa quê hương.

Có những cầu thủ chọn thành người “khai sơn phá thạch”, nhưng cũng có những người hài lòng với vùng an toàn. Ở lại, nhận mức lương cao, phí hợp đồng ngất ngưởng, an phận cùng vợ đẹp, con khôn và không còn muốn phấn đấu. Cuộc đời cầu thủ, chẳng ai có thể quyết định thay họ.

hoang duc anh 3

Nền bóng đá nào cũng có hai dạng cầu thủ kể trên. Tuy nhiên, khi số đông (hoặc hầu như tất cả) cùng bó mình trong vùng an toàn, hài lòng với số tiền kếch xù nhận được ở giải trong nước và không còn ước mơ đi ra ngoài thế giới phát triển bản thân, nền bóng đá ấy không có cơ hội phát triển.

Khi các cầu thủ thay vì thi đấu với thế giới, lại quay sang… chơi với nhau, trình độ và kinh nghiệm sẽ tăng lên ở đâu? Hoặc nếu có tăng, đó chỉ là cái tăng thuần túy khi cầu thủ còn trẻ và còn khát vọng.

Và khi tuổi trẻ rời đi, cầu thủ ấy cũng tụt khỏi đường đua trình độ. Bởi họ cũng chẳng còn gì nhiều để phấn đấu.

Hoang mang

Đến đây, phải nhắc đến cơ chế chuyển nhượng bất thường của bóng đá Việt Nam. Trên thế giới, một đội bóng muốn mua cầu thủ sẽ cần trả phí chuyển nhượng cho đội sở hữu cầu thủ đó, bên cạnh một phần phí “hỗ trợ” (hay tiền hoa hồng, lót tay) có thể có hoặc không, nhiều hoặc ít tùy theo danh tiếng. Đội mua sở hữu cầu thủ, còn đội bán có tiền để tái đầu tư.

Vì sao "lót tay" cầu thủ V.League cao ngất ngưởng, vượt xa lương?

Nhưng ở Việt Nam, chuyển nhượng không vận hành theo cách đó. Đội bóng muốn mua cầu thủ thường chờ đợi đến khi cầu thủ đó hết hợp đồng, rồi ký theo dạng tự do, trả cho cầu thủ ấy mức phí hợp đồng (hay tiền lót tay) cùng mức lương rất cao. Còn đội bóng chủ quản muốn bán cầu thủ sẽ không nhận lại bất cứ đồng nào.

Điều này dẫn đến hai hậu quả. Trước tiên, dòng tiền của nền bóng đá chảy thẳng vào túi cầu thủ. Có những ngôi sao Việt Nam dù chưa trình độ cao nhất chỉ đến tầm Đông Nam Á, nhưng nhận tiền lót tay và lương chẳng kém những cầu thủ ở Hàn Quốc, Nhật Bản vốn ở đẳng cấp cao vượt trội.

Một cầu thủ khoác áo tuyển trong 3 đến 5 năm có thể đút túi rủng rỉnh vài đến vài chục tỷ đồng, sống sung sướng và thoải mái trong phần còn lại của sự nghiệp. Đó là một trong những yếu tố có thể giết chết ý chí phấn đấu.

Và sau đó, tiền sẽ không được chảy vào túi các CLB để tái đầu tư cho các hoạt động như tu bổ sân bóng, đào tạo trẻ. Tại sao các đội Việt Nam được đầu tư từ chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, nhưng đào tạo trẻ phần lớn vẫn yếu kém, sân bãi tồi tàn, mặt cỏ gồ ghề?

Loạt cầu thủ Việt Nam nhận lót tay 'khủng' | Báo Giáo dục và Thời đại Online

Bao nhiêu đội V.League có thể công khai báo cáo tài chính và chứng minh mình “ăn nên làm ra”, thay vì năm nào cũng ngửa tay xin tiền ngân sách và doanh nghiệp? Để đến khi doanh nghiệp không đầu tư hoặc tỉnh từ chối chi tiền, đội bóng ấy sẽ đi vào quên lãng.

Nếu vậy, cách một doanh nghiệp nọ đang đầu tư bằng cách chi khoản tiền kếch xù cho cầu thủ xuống chơi hạng Nhất, thay vì nghĩ tới những hạng mục bền vững hơn… là tín hiệu rất, rất xấu!?

Khi biết chuyện Hoàng Đức khoác áo đội hạng Nhất, một cựu thành viên đội tuyển Việt Nam đã thở dài tiếc nuối rằng giá như Hoàng Đức tin tưởng hơn ở khả năng của mình, chấp nhận ra nước ngoài thử thách thay vì xuống đá ở giải đấu còn kém cả V.League, bản thân cầu thủ này và bóng đá Việt Nam đã hưởng lợi nhiều hơn.

Dù tương lai một cầu thủ không thể định hình cả nền bóng đá, nhưng nhìn cách các ngôi sao đồng loạt “nhập nội” thay vì “xuất ngoại”, hài lòng với bến đỗ như vậy, người hâm mộ khó tránh khỏi cảm giác chua chát.

Hoàng Đức "mất chỗ" tại ĐT Việt Nam?

“Cầu thủ Thái Lan không hơn Việt Nam, song thứ tạo ra khác biệt chính là tư duy, cách nhìn của cầu thủ ấy về sự nghiệp của mình”, một chuyên gia trải lòng.

Khi các ngôi sao Thái Lan mạnh dạn sang J.League lăn lộn và trải mình, Indonesia triệu tập nhiều cầu thủ nhập tịch đá ở châu Âu và Mỹ, bóng đá Việt Nam đang làm gì vậy?

Share.