FIFA ra quy định mới với thủ môn khi bắt penalty
Trong cuộc họp của Ủy ban bóng đá quốc tế tại Doha, Qatar hồi đầu tuần, Chủ tịch hội đồng trọng tài FIFA Pierluigi Collina thông báo các thủ môn sẽ không được phép nhảy múa khi chuẩn bị bắt phạt đền.
Trong thời gian cầu thủ chuẩn bị sút bóng, thủ môn phải đứng hai chân trên vạch vôi, hoặc có thể để một chân ở phía sau. Quy định mới này sẽ được áp dụng kể từ ngày 1/7.
Trước đó, hôm 13/6, thủ môn Andrew Redmayne của đội tuyển Australia gây sốt với màn nhảy múa khi bắt penalty trong trận play-off liên lục địa tranh vé dự World Cup 2022 gặp Peru.
Redmayne được thay vào sân phút 120, chỉ để bắt 11 m. Ở lượt sút thứ 6, thủ thành tuyển Australia liên tục nhảy nhót nhằm khiến đối thủ bị tâm lý trước khi đổ người đẩy cú đá của tiền đạo Alex Valera.
Với chiến thắng 5-4, Australia giành vé dự World Cup 2022 còn Peru ngậm ngùi lỡ hẹn với giải đấu danh giá nhất thế giới.
Trước Redmayne, nhiều thủ môn khác cũng áp dụng chiêu nhảy nhót, khiêu khích đối thủ khi bắt phạt đền. Tại chung kết Champions League 2005, thủ môn Jerzy Dudek cũng có hành động tương tự giúp Liverpool đánh bại AC Milan để lên vô địch.
Thủ thành Đặng Văn Lâm của tuyển Việt Nam cũng có thói quen nhảy múa khi bắt phạt đền. Với hành động này, Văn Lâm từng giúp tuyển Việt Nam đánh bại Jordan với tỷ số 4-2 trong loạt đá luân lưu trận đấu với Jordan ở vòng 1/8 Asian Cup 2019.
Ngoài quy định cấm thủ môn nhảy nhót khi bắt penalty, FIFA còn đưa ra một số thay đổi khác, trong đó, quyền thay tối đa 5 người sẽ được áp dụng vô thời hạn, ở mọi giải đấu.
Cổ động viên Peru đòi tước vé World Cup của Australia
Mundo Deportivo đưa tin người hâm mộ Peru đang yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) tước vé đến Qatar của Australia bởi lý do đội tuyển này đăng ký cầu thủ không hợp lệ. Theo CĐV Peru, cầu thủ gốc Phi Awer Mabil không đủ điều kiện khoác áo Australia do chưa sống ở xứ sở chuột túi đủ 5 năm theo quy định của FIFA.
Nếu đây là sự thật, FIFA có quyền hủy kết quả thi đấu của “Socceroos”, đồng nghĩa với việc Peru được dự World Cup. Trước đó, Australia đánh bại Peru trên chấm luân lưu, để giành vé dự World Cup 2022.
Tuy nhiên, sự nghiệp cấp CLB của Awer Mabil chứng minh anh hoàn toàn đủ điều kiện khoác áo tuyển Australia. Cầu thủ này được sinh ra tại Kenya vào năm 1995 nhưng vì chiến tranh, anh cùng bố mẹ di cư đến Australia khi 11 tuổi. 7 năm sau, Awer có màn ra mắt ở cấp độ chuyên nghiệp đầu tiên.
Năm 2015, Awer rời Australia và lần lượt khoác áo các CLB Midtjylland (Đan Mạch), Esbjerg fB (Đan Mạch), Pacos de Ferreira (Bồ Đào Nha) và hiện tại là Kasımpasa SK (Thổ Nhĩ Kỳ). Theo đó, Awer sống ở Australia trong 9 năm, từ 2006 đến 2015 và có quốc tịch của nước này.
Vụ việc tương tự cũng xảy ra cách đây ít ngày, khi Liên đoàn Bóng đá Chile cử luật sư tố cáo Ecuador sử dụng cầu thủ không hợp lệ ở vòng loại World Cup khu vực Nam Mỹ, cụ thể là trường hợp của Eduardo Carlezzo.
“Sau khi xem xét kiến nghị của các bên liên quan và cả các bằng chứng được đưa ra trước đó, Ủy ban Kỷ luật FIFA xác định mọi cáo buộc chống lại Liên đoàn Bóng đá Ecuador (FEF) là vô căn cứ. Chile có quyền kháng cáo bằng cách gửi đơn lên Tòa án Trọng tài Thể thao”, tổ chức đứng đầu bóng đá thế giới tuyên bố.
Nguồn: Zing