Trước trận chung kết Club World Cup 2025, cả Chelsea và Paris Saint-Germain (PSG) đều phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt của FIFA
Chelsea giành vé vào chung kết sau khi Joao Pedro lập cú đúp giúp đội bóng Anh đánh bại Fluminense (Brazil) trong trận bán kết đầu tiên. Ở trận bán kết còn lại, PSG xuất sắc vượt qua Real Madrid với chiến thắng đậm 4-0 nhờ các pha lập công của Fabian Ruiz, Ousmane Dembélé và Gonçalo Ramos.
Tuy nhiên, niềm vui chiến thắng của hai đội nhanh chóng bị lu mờ phần nào khi FIFA đưa ra yêu cầu bắt buộc: không được in logo tài trợ trên hai tay áo trong trận chung kết. Đây là một phần trong quy định được FIFA áp dụng từ đầu năm 2025, theo đó hai tay áo trên áo đấu của các đội bóng tham dự giải sẽ chỉ được sử dụng cho logo chính thức của giải đấu hoặc các biểu tượng khác do FIFA chỉ định.
Cụ thể, Điều 30.1 trong điều lệ giải quy định: “FIFA sẽ cung cấp huy hiệu tay áo mang logo chính thức của giải đấu, được gắn ở tay phải áo đấu. Phần tay trái sẽ dành cho một logo khác do FIFA quy định và sẽ thông báo đến các CLB để thực hiện”.
Điều này đồng nghĩa với việc Chelsea sẽ không thể tiếp tục in logo Live Nation trên tay áo trái như ở các trận trước, trong khi PSG cũng buộc phải gỡ bỏ logo Visit Rwanda. Cả hai đội sẽ sử dụng mẫu áo thi đấu tuân thủ đúng thiết kế và quy định từ FIFA trong trận đấu cuối cùng của giải.
Đây không phải lần đầu FIFA cứng rắn với trang phục thi đấu. Trong quá khứ, nhiều mẫu áo từng bị loại bỏ vì vi phạm quy định. Điển hình, tại World Cup 2002, đội tuyển Cameroon từng bị cấm sử dụng mẫu áo không tay – thiết kế bị FIFA đánh giá là giống áo lót, không phù hợp với chuẩn mực bóng đá chuyên nghiệp. Hay như mùa giải 1992-1993, CLB Fiorentina buộc phải thu hồi mẫu áo sân khách do hiệu ứng họa tiết bị cho là giống hình chữ thập ngoặc (Swastika), dù đội bóng khẳng định đó chỉ là sự trùng hợp thị giác.
Lệnh cấm lần này của FIFA một lần nữa nhấn mạnh sự kiểm soát chặt chẽ của tổ chức này đối với hình ảnh và thương mại hóa trong các giải đấu lớn.